UBND huyện Hoằng Hoá đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng, sản phẩm cây thuốc lào năm 2022 trên địa bàn huyện

Đăng lúc: 17:00:00 06/08/2021 (GMT+7)

 8c23adf0983d6f63362c.jpeg
Dự hội nghị có các đồng chí Trưởng các phòng NN&PTNT, phòng TN&MT; Văn phòng HĐND – UBND huyện, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện; phía xã có các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND các xã: Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Trạch, Hoằng Thành, Hoằng Phong, Hoằng Châu và Hoằng Tân; một số trường thôn, các hộ có khả năng trồng thuốc lào của các xã, phía xã Hoằng Tân có các hộ có kinh nghiệm trồng thuốc lào, chủ cơ sở tiêu biểu trong tiêu thụ thuốc lào.
đồng chí Lê Văn Cường – HUV – Trưởng phòng NN&PTNT huyện đã thông qua dự thảo Kế hoạch và báo cáo.jpeg

đồng chí Lê Văn Cường – HUV – Trưởng phòng NN&PTNT huyện đã thông qua dự thảo Kế hoạch và báo cáo
Ngay sau ý kiến phát biểu khai mạc hội nghị của đồng chí Lê Hồng Quang – TVHU – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện, đồng chí Lê Văn Cường – HUV – Trưởng phòng NN&PTNT huyện đã thông qua dự thảo Kế hoạch Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm Thuốc lào xã Hoằng Tân; báo cáo Đánh giá tình hình sản xuất thuốc lào trên địa bàn huyện; triển khai kế hoạch mở rộng diện tích trồng thuốc lào năm 2022.
 
Đại diện hộ dân sản xuất và kinh doanh dản phẩm thuốc lào xã Hoằng Tân phát biểu ý kiên tại hội nghị.jpeg
Đại diện hộ dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lào xã Hoằng Tân phát biểu ý kiến tại hội nghị
Theo báo cáo, Trong những năm gần đây diện tích trồng thuốc lào trên địa bàn huyện tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, cụ thể: diện tích trồng thuốc lào năm 2018: 255 ha, năng suất bình quân 12,6 tạ/ha; sản lượng đạt 321,3 tấn; năm 2019: 262 ha,năng suất bìnhquân 13,4 tạ/ha; sản lượng đạt 351 tấn; năm 2020: 309 ha; năng suất bình quân 13,8 tạ/ha; sản lượng đạt 426,4 tấn; năm 2021: 432,1 ha, năng suất bình quân đạt 14 tạ/ha; sản lượng đạt 604,9 tấn.
Hiện nay, thuốc lào được trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Trạch, Hoằng Thành, trong đó diện tích thuốc lào được trồng tại xã Hoằng Tân hằng năm từ 180-210 ha (chiếm khoảng 60% diện tích thuốc lào toàn huyện). Việc sản xuất, chế biến thuốc lào tại xã Hoằng Tân đã trở thành nghề truyền thống và mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Đặc biệt, vụ Đông xuân năm 2020 và năm 2021 bà con nông dân xã Hoằng Tân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thuốc lào, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 10 lần so với trồng lúa, vừa tạo điều kiện thuận lợi bố trí gieo cấy trà lúa mùa sớm để né tránh bão lụt thường xảy ra ở cuối vụ mùa, vừa góp phần hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang. Ngoài ra hằng năm bà con nông dân xã Hoằng Tân còn chủ động liên hệ với các xã để thuê đất, mượn đất trồng thuốc lào ở các xã: Hoằng Lưu, Hoằng Thắng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh, Hoằng Đức và Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa…với diện tích từ 100 -150 ha.
 
Đồng chí Trần Đức Ngọc - PBT - Chủ tịch UBND xã phát biểu ý kiến.jpeg
Đồng chí Trần Đức Ngọc - PBT - Chủ tịch UBND xã phát biểu ý kiến
Hiện nay, thị trường tiêu thụ thuốc lào của các xã trên địa bàn huyện chủ yếu bán cho các tiểu thương thu gom của xã Hoằng Tân (khoảng 20 tiểu thương) để đem đi tiêu thụ tại các tỉnh như: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội... Ngoài ra trên địa bàn xã Hoằng Tân có khoảng 100 cá nhân tự đi bán (vừa nhập cho các tiểu thương, vừa bán dong ở các xã trong huyện, tỉnh). Các sản phẩm loại 1, loại 2 sức tiêu thụ mạnh hơn, giá cao hơn. Sau khi trừ tất cả chi phí hiệu quả của trồng thuốc lào cao gấp 10,4 lần so với trồng lúa
Theo kế hoạch đến năm 2022, Tổng diện tích gieo trồng thuốc lào trên địa bàn huyện đạt từ 450- 480 ha; N/s bình quân đạt 14,5 tạ/ha; sản lượng đạt 650- 680 tấn trở lên. Cụ thể: Đối với các xã Hoằng Tân duy trì diện tích sản xuất hiện nay, có kế hoạch nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thuốc lào trong năm 2021 và năm 2022. Các xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu chỉ đạo trồng mới cây thuốc lào trên đất trồng lúa kém hiệu quả, mỗi xã từ 02- 03 ha trong năm 2022 (không tính diện tích đã trồng cây thuốc lào từ năm 2021 trở về trước).
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, thực hiện sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây thuốc lào tại cơ sở, đồng thời bàn các giải pháp khắc phục, trong đó: tập trung đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ trong trồng trọt; Xây dựng và ban hành các kế hoạch, phương án, chỉ tiêu sản xuất đến từng địa phương, cơ sở; Tăng cường thành lập phát triển doanh nghiệp trong liên kết sản xuất; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất cây thuốc lào về vật tư nông nghiệp, nước tưới, cơ giới hóa,...
đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phát biểu.jpeg
đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phát biểu
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thông qua quy trình sản xuất cây thuốc lào.
 
Đồng chí Lê Hồng Quang – TVHU – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện kết luận hội nghị.jpeg

Đồng chí Lê Hồng Quang – TVHU – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Đồng chí Lê Hồng Quang – TVHU – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện đề nghị các xã chủ trì thực hiện nạo vét kênh mương, có kế hoạch đầu tư kiên cố hóa kênh mương; Phòng tài nguyên môi trường hướng dẫn các xã để người dân thuê đất nếu có nhu cầu; phòng nông nghiệp phát triển nông thôn trên cơ sở có ý kiến đề nghị hoàn chỉnh báo cáo tham mưu ban hành chậm nhất 10/8, chủ trì cùng với các xã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết có thời hạn hoàn thành đối với các nội dung. Giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất thuốc lào theo hướng VietGap trên địa bàn huyện; Tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch cho lãnh đạo các xã, trưởng thôn và các hộ dân của các xã trồng thuốc lào; phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện phối hợp hướng dẫn các xã làm bản đồ quy hoạch trồng thuốc lào; phòng tài nguyên môi trường hướng dẫn xử lý môi trường đất; Các xã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền để nhân dân được biết; có cơ chế hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia trồng cây thuốc lào theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng sản xuất thuốc lào hàng hóa. Sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất. Về thị trường tiêu thụ thuốc lào: trước mắt đề nghị xã Hoằng Tân lựa chọn các tiểu thương có uy tín về thu gom tiêu thụ thuốc lào, giới thiệu cho các xã, các hộ dân sản xuất thuốc lào, để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuốc lào cho các địa phương. Đồng thời xây dựng mô hình trình diễn trồng cây thuốc lào trên đất trồng lúa kém hiệu quả tại 02 xã Hoằng Hà, Hoằng Đạt để làm cơ sở đánh giá, nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo./.
Thanh Hằng – Trung tâm VHTT TT&DL
 
 
  
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
235343